Trống đồng Động Xá

TRỐNG ĐỒNG ĐỘNG XÁ

Trống được phát hiện trong khi đào mương làm thủy lợi tại cánh đồng phía Đông, thôn Động Xá, thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên vào ngày 23/12/1997.

Trống đồng Động Xá được xếp vào loại Heger I trong hệ thống phân loại trống đồng của nhà khảo cổ học người Áo Franz Heger. Theo đánh giá của các nhà khoa học, trống có niên đại cách ngày nay 2300 - 2000 năm, thuộc Văn hóa Đông Sơn.

Dáng trống cân đối, thân chia làm ba phần: Mặt trống, tang trống và thân trống. Bao quanh trống được khắc họa nhiều hoa văn phong phú: ngôi sao, hình người chèo thuyền, động vật, hoa văn hình học…

Mặt trống được đúc nổi hình mặt trời, sao 9 cánh, chim Lạc. Rìa ngoài trên mặt trống, đúc nổi đối xứng 04 tượng Nhái (ngóe), đầu quay theo hướng ngược chiều kim đồng hồ.

Tang trống trang trí hoa văn hình người chèo thuyền nối đuôi nhau theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Các thuyền có kích thước không đều nhau. Trên mỗi thuyền đúc nổi hình người trong tư thế ngồi, hoặc khom lưng với tóc búi gọn phía sau, mặc áo choàng có thắt lưng, người đầu đội mũ lông chim, tóc búi gọn và có thêm dải dài tỏa xuống, đeo khuyên tai lớn.

Thân trống được chia làm hai phần: phần trên thân trống đồng Động Xá có 04 khung hoa văn trang trí hình Trâu, Chim mỏ dài… đặc biệt là hình đôi trâu đang giao phối với vai u, sừng dài, cong, đuôi dài hoặc là những chú chim mỏ dài, cổ ngắn đậu trên lưng; Phần dưới thân trống choãi để trơn không trang trí hoa văn.

Trống đồng Động Xá là hiện vật gốc, độc bản có giá trị về lịch sử, khoa học, thẩm mỹ cao. Khẳng định người Việt cổ thời đại Hùng Vương đã đến sinh cơ lập nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Trống là một tiêu bản đặc biệt, góp phần làm phong phú thêm cho sưu tập trống Đông Sơn ở Việt Nam, khẳng định Việt Nam là một quốc gia có truyền thống chế tạo và sử dụng trống đồng từ rất lâu đời. Đồng thời, là minh chứng cho sự phát triển đến đỉnh cao của kỹ thuật luyện kim thời cổ.