ĐỒNG CHÍ HOÀNG QUỐC VIỆT VỚI PHONG TRÀO CÁCH MẠNG HƯNG YÊN TRONG NHỮNG NĂM 1938 - 1944 QUA TƯ LIỆU, HIỆN VẬT BẢO TÀNG

Đồng chí Hoàng Quốc Việt tên thật là Hạ Bá Cang, sinh ngày 28 tháng 5 năm 1905 tại làng Đáp Cầu, tổng Đỗ Xá, huyện Võ Giàng, nay là phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Năm 1922, đồng chí học ở trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng và tham gia các phong trào đấu tranh của học sinh, thanh niên, thợ thuyền đất cảng. Năm 1928, đồng chí Hoàng Quốc Việt được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Giữa năm 1929, đồng chí được cử vào Nam Bộ hoạt động cùng với đồng chí Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương.

Sau Hội nghị thành lập Đảng, tháng 2 năm 1930, đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Tháng 4 năm 1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Hải Phòng, bị kết án khổ sai chung thân và đày đi Côn Ðảo. Tại Côn Đảo, đồng chí cùng các đồng chí trong Đảng tiến hành xây dựng tổ chức Đảng trong tù, “biến nhà tù thành trường học cách mạng”. Năm 1936, khi được trả tự do, đồng chí về hoạt động cách mạng ở Hà Nội cùng các đồng chí của mình khôi phục tổ chức Ðảng và các tổ chức cách mạng khác ở Bắc Kỳ, phát động đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ, được Ðảng phân công cùng đồng chí Trường Chinh phụ trách các tờ báo của Ðảng ở Bắc Kỳ. Năm 1937, đồng chí Hoàng Quốc Việt được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.

Trong những năm tháng khó khăn của cách mạng, đồng chí đã đi nhiều nơi từ Nam ra Bắc, chắp nối, khôi phục, củng cố và phát triển nhiều cơ sở đảng và lực lượng quần chúng, chuyển hướng các hình thức, phương thức hoạt động, đấu tranh cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ.

Tại Hưng Yên, khi về hoạt động cách mạng (từ năm 1938), đồng chí Hoàng Quốc Việt trực tiếp tham gia lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền vận động cách mạng, chắp nối gây dựng nhiều cơ sở cách mạng ở các huyện, thị xã trong tỉnh. Với những hoạt động tích cực của đồng chí, phong trào cách mạng ở Hưng Yên có bước phát triển mới, nhiều cuộc mít tinh biểu dương lực lượng quần chúng đã diễn ra để phản đối sự khủng bố của thực dân Pháp, đòi quyền dân sinh, dân chủ, ủng hộ Đảng ta và báo “Dân chúng”. Cùng với đó là các tổ chức công hội, nông hội, hội tương tế, hội phụ nữ, hội thể dục, thể thao, tự vệ đội, các tổ chức phản đế... được thành lập.

Hiện nay, tại Bảo tàng Hưng Yên còn lưu giữ được một số tư liệu, hiện vật liên quan đến quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt thời kỳ 1938 - 1944 tại Hưng Yên.

Đài gỗ (số đăng ký 702/47): Đồng chí Hoàng Quốc Việt dùng cất giấu tài liệu tuyên truyền cách mạng những năm 1942 - 1943 tại chùa Trà Lâm, thôn Tiên Cầu, xã Hiệp Cường, huyện Kim Động.

Để đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, thực dân Pháp tăng cường khủng bố làm cho nhiều cơ sở cách mạng của ta bị phá vỡ, nhiều cán bộ, quần chúng yêu nước bị bắt. Trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tế, đồng chí Hoàng Quốc Việt nhận thấy các cơ sở cách mạng tại các đền, chùa vẫn giữ được, không bị địch phá. Sau khi bàn bạc với Ban cán sự tỉnh, đồng chí đã quyết định phải tăng cường xây dựng các cơ sở cách mạng trong hệ thống đền, chùa. Chùa Trà Lâm nằm ngay cạnh đường cái, xung quanh là cánh đồng mênh mông. Trên đường đi vào chùa không có hàng quán nào, thuận lợi khi ra vào chùa, mật thám và bọn chỉ điểm chỉ lảng vảng từ xa. Từ năm 1942, chùa đã được chọn là cơ sở cách mạng, cán bộ hoạt động, đi về ăn ngủ hội họp ở đây. Cuối năm 1942, cuộc họp của Xứ ủy lần đầu tiên được tổ chức tại ngôi chùa này. Giữa năm 1943, Xứ ủy tổ chức họp mở rộng tại chùa, đồng chí Hoàng Quốc Việt về dự và chỉ đạo. Cuộc họp gồm hai vấn đề: Kiểm điểm phong trào cách mạng ở các tỉnh và tăng cường bộ máy lãnh đạo. Chính trong cuộc họp này, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã công nhận các Bí thư tỉnh được tham gia Xứ ủy viên,… Mỗi cuộc họp diễn ra ở đây đều được sư Trực, bà thủ hộ Thời cảnh giới, bảo vệ chu đáo và an toàn.

Mảnh phản (số đăng ký 706/51): Là một bộ phận của chiếc phản đồng chí Hoàng Quốc Việt đã sử dụng trong thời gian hoạt động cách mạng tại huyện Yên Mỹ.

Cuối năm 1941, do địch khủng bố gắt gao, phong trào cách mạng của huyện Yên Mỹ cũng như trong tỉnh lắng xuống. Trước tình hình đó, năm 1942, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã về trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo phong trào, khôi phục cơ sở trong huyện Yên Mỹ. Đồng chí và tổ chức chọn thôn Văn Xá, xã Hoàng Hữu Nam nay là thôn Liêu Xá, xã Liêu Xá làm cơ sở phát triển đầu tiên. Gia đình cụ Lê Thị Quản được tổ chức tin cậy chọn là nơi ăn nghỉ của đồng chí Hoàng Quốc Việt và Xứ ủy Bắc Kỳ. Gia đình đã giành chiếc phản đẹp nhất, tốt nhất cho đồng chí. Từ đó cho đến năm 1944, gia đình cụ Quản và chùa Văn là nơi họp hành, cất dấu, nuôi dưỡng, bảo vệ chu đáo, bí mật, an toàn cho Xứ ủy Bắc Kỳ và Ban cán sự tỉnh.

Tư liệu phim: Nhà số 30, 32 Bần Yên Nhân, cơ sở lưu trú của đồng chí Hoàng Quốc Việt trong những năm 1942 - 1944; Nhà đồng chí Nguyễn Văn Ải, thôn Đặng Cầu, xã Trung Nghĩa, cơ sở cách mạng của đồng chí Trần Đăng Ninh, Hoàng Quốc Việt trong những năm 1940 - 1943; Chùa Liêu Xá cơ sở cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Văn Tiến Dũng trong những năm 1941 - 1943; Nhà cụ Lê Thị Quản, xã Hoàng Hữu Nam (nay là xã Liêu Xá ), cơ sở cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt trong những năm 1942 - 1944…

Hoạt động của đồng chí Hoàng Quốc Việt thời kỳ 1938 - 1944 đã góp phần to lớn vào việc gieo những hạt giống cách mạng trên vùng đất Hưng Yên, để từ đó hình thành những cơ sở cách mạng, những đội quân vũ trang, đội quân chính trị, tạo cơ sở, tiền đề  cho thắng lợi trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Hưng Yên và trong cả nước. Sau này, đồng chí Hoàng Quốc Việt được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao cho giữ nhiều trọng trách quan trọng. Gần 70 năm cống hiến cho Đảng, cho dân tộc, dù hoạt động ở đâu, làm bất cứ công việc gì, đồng chí Hoàng Quốc Việt cũng cống hiến hết sức lực, trí tuệ cho Đảng, cho dân. Đồng chí Hoàng Quốc Việt là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, là tấm gương sáng của người chiến sĩ cách mạng bất khuất, trung kiên, liêm khiết, giản dị, chân thành, được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta yêu mến và kính trọng. Với những đóng góp to lớn, đặc biệt xuất sắc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta, cùng nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Để tỏ lòng thành kính, ghi nhớ những đóng góp của đồng chí Hoàng Quốc Việt đối với đất nước và quê hương Hưng Yên, Đảng bộ và Nhân dân Hưng Yên có nhiều việc làm thiết thực để giáo dục thế hệ trẻ luôn ghi nhớ, học tập tấm gương sáng ngời của đồng chí. Trên địa bàn thành phố Hưng Yên, có đường phố mang tên Hoàng Quốc Việt; những tư liệu, hiện vật gắn với cuộc đời cách mạng của đồng chí tại Hưng Yên được trưng bày trong các chuyên đề của Bảo tàng thu hút đông đảo khách tham quan học tập, nghiên cứu.

Đặng Thị Kim Xoa

(Phòng Nghiệp vụ - Bảo tàng tỉnh Hưng Yên)