Trong lịch sử thi ca Việt Nam thời phong kiến, sự ra đời và hoạt động của hội Tao Đàn là một hiện tượng đặc biệt, để lại những dấu ấn rất riêng trong nền văn học Việt Nam nói chung, văn học Việt Nam thời trung đại nói riêng. Hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông sáng lập. Về sự ra đời của hội Tao Đàn, Đại Việt sử ký toàn thư có ghi:
“... Làm sách Quỳnh uyển cửu ca. Vua thấy hai năm Qúy Sửu, Giáp Dần, thóc lúa được mùa, đặt các bài ca vịnh để ghi điềm lành. Nội dung gồm những bài về đạo làm vua, khí tiết làm tôi, vua giỏi tôi hiền, nhớ bậc anh tài kỳ tuấn và đùa viết vội thành văn, nhân gọi là Quỳnh uyển cửu ca...”[1].
Trong lời tựa đề tựa cho Quỳnh uyển cửu ca của Lê Thánh Tông, có đoạn: “Ta, lúc muôn việc được rỗi, nửa ngày nhàn hạ, thân xem rừng sách, lòng tới vườn văn, huyên náo lắng xuống, hoa đơm thơm tho, lòng ít ham muốn, tinh thần trong sáng, ở yên, thi hứng dồi dào, bèn phấn chấn nghĩ đến khuôn phép lớn của thịnh đế minh vương, tấm lòng chăm chút của trung thần lương bật… Ta im lặng giờ lâu, chọn vần, dấy lời, rồi viết ra 9 bài thơ theo luật cận thể, rực rỡ trên giấy kim tiền. Sai bọn học sĩ họ Thân, Ngô, Đỗ, Lưu và bọn văn nhân họ Đàm, Dương, Chu, Phạm, tất cả là hai mươi tám người, ứng với hai mươi tám chòm sao, cùng nhau chúc họa, được tất cả vài trăm thiên, hết ý chọn lựa, tìm lời luyện văn, thơ làm xong dâng lên. Ta thấy làm vui lòng. Thế là, sai người viết đẹp, nét móc đẹp như bạc, nét vạch cứng như sắt, sai thợ khéo khắc ván đem in. Họ kiệt tâm tư, trổ hết tài khéo, không quá một tuần, sách đã có thể xem…”[2]
Hội Tao Đàn có 28 thành viên (vua Lê Thánh Tông làm Đô Nguyên soái) tượng trưng cho 28 vì sao trên trời. Các vì sao này được các sách cổ Trung Hoa ghi nhận và được chia làm 4 nhóm:
- 7 sao thuộc chòm sao Thanh Long - Phương Đông, gồm: Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ.
- 7 sao thuộc chòm sao Huyền Vũ - Phương Bắc, gồm: Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích.
- 7 sao thuộc chòm sao Chu Tước - Phương Nam, gồm: Tỉnh, Qủy, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn.
- 7 sao thuộc chòm sao Bạch Hổ - Phương Tây, gồm: Khuê, Lâu, Mão, Tất, Chủy, Sâm.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư khắc năm Chính Hòa 18 (1697) cho biết cụ thể các thành viên còn lại trong hội Tao Đàn gồm: “... Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Đông các hiệu thư Ngô Luân, Ngô Hoán, Hàn lâm viện thị độc chưởng viện sự Nguyễn Xung Sác, Hàn lâm viện thị độc tham chưởng viện sự Lưu Hưng Hiếu, Hàn lâm viện thị thư Nguyễn Quang Bột, Nguyễn Đức Huấn, Vũ Dương, Ngô Thầm, Hàn lâm viện thị chế Ngô Văn Cảnh, Phạm Trí Khiêm, Lưu Thư Ngạn, Hàn lâm viện hiệu lý Nguyễn Nhân Bị, Nguyễn Tôn Miệt, Ngô Quyền, Nguyễn Bảo Khuê, Bùi Phổ, Dương Trực Nguyên, Chu Hoản, Hàn lâm viện kiểm thảo Phạm Cẩn Trực, Nguyễn Ích Tốn, Đỗ Thuần Thứ, Phạm Như Huệ, Lưu Dịch, Đàm Thận Huy, Phạm Đạo Phú …”[3].
Về nhân vật Đỗ Thuần Thứ, cho tới nay chúng ta vẫn chưa tìm được thông tin qua các nguồn tư liệu khác ngoài Đại Việt sử ký toàn thư. Hẳn khi tham gia hội Tao Đàn thì phải là người tài năng xuất chúng, văn thơ, học vấn uyên bác và chắc phải đỗ đạt trong khoa cử. Vậy mà khi tra cứu các sách, tài liệu khoa bảng đều không thấy có ghi tên Đỗ Thuần Thứ. Trong khi đó, một số tài liệu khác như: Các nhà khoa bảng Hưng Yên (1075 - 1919), Các nhà khoa bảng Việt Nam, Bia ghi các Tiến sĩ huyện Đông Yên tại văn chỉ Bình Dân, huyện Khoái Châu, Bia số 3 tại văn miếu Hưng Yên và bia số 8 tại văn miếu Hà Nội đều ghi nhận nhà khoa bảng Đỗ Thuần Thông. Bên cạnh đó, sách Hưng Yên tỉnh nhất thống chí, phần VII, Nhân vật có chép một nhân vật ghi tên là Đỗ Thuần Đức nhưng ở phần chú thích các tác giả đã chú: Đỗ Thuần Đức là Đỗ Thuần Thông.
Như đã trích dẫn ở trên, các tư liệu đã ghi nhận có 3 tên khác nhau: Đỗ Thuần Thứ, Đỗ Thuần Thông và Đỗ Thuần Đức. Đại Việt sử ký toàn thư là tài liệu ghi chép sớm nhất về việc thành lập hội Tao Đàn cũng như các thành viên của hội. Những giá trị to lớn của bộ sử này chúng ta không thể phủ nhận nhưng nội dung thì vẫn còn những hạn chế nhất định đặc biệt là nguồn tư liệu sử dụng mà như cách thức làm sử xưa đã cho ta thấy rõ. Đó là “…khảo đính sử cũ, chỗ nào sai thì sửa lại, chỗ nào đúng thì chép lấy… sưu tầm sự tích cũ, tham khảo các dã sử…. nhưng vì thiếu sử sách biên chép mà sự thực đều nghe truyền miệng, lời ghi có phần quái đản, sự việc có khi quên sót, cho nên viết chữ không đúng…”[4]. Sự sai sót này xảy ra không chỉ với Đại Việt sử ký toàn thư mà còn thấy ở nhiều bộ sử khác của nước ta dưới thời phong kiến. Và với những công bố gần đây của các nhà nghiên cứu đã cho thấy, trong Đại Việt sử ký toàn thư việc ghi chép thiếu chính xác không chỉ xảy ra đối với vị tinh tú Đỗ Thuần Thứ mà còn xảy ra đối với một số thành viên khác như trường hợp của Đoàn Huệ Nhu, có nhiều sách chép Đoàn Trí Nhu; Dương Trực Nguyên nhiều chỗ chép Dương Quí Nguyên... Sách Hưng Yên tỉnh nhất thống chí và (mặt 3) bia ghi các Tiến sĩ huyện Đông Yên cho chúng ta một thông tin quan trọng đó là Đỗ Thuần Thông là thành viên của hội Tao Đàn. Căn cứ vào mức độ tin cậy và sự thống nhất về thông tin của các nguồn tài liệu (gồm: Bia ghi các Tiến sĩ huyện Đông Yên, bia số 3 văn miếu Hưng Yên, bia số 8 văn miếu Hà Nội), tác giả nhận định Đỗ Thuần Thông là tên chính xác của vị Tiến sĩ người Hưng Yên đã tham gia vào hội Tao Đàn.
Các tài liệu Hưng Yên tỉnh nhất thống chí, bia số 3 văn miếu Hưng Yên, bia số 8 văn miếu Hà Nội, bia ghi các Tiến sĩ huyện Đông Yên tại văn chỉ Bình Dân cho biết thêm về quê hương, năm thi đỗ và chức vụ mà Đỗ Thuần Thông từng đảm nhiệm. Đỗ Thuần Thông người xã Sài Quất, huyện Đông Yên (nay là thôn Sài Quất, xã Thành Công, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Đỗ Thuần Thông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức 18 (1487) đời Lê Thánh Tông. Và không lâu sau khi thi đỗ Tiến sĩ, Đỗ Thuần Thông đã được vinh dự chọn cử tham gia Hội Tao Đàn. Mặt 3, bia Tiến sĩ huyện Đông Yên ghi: “… Đỗ Thuần Thông, người xã Sài Quất đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Đinh Mùi, làm quan đến chức Thừa chính sứ, kiểm cai tham gia nhị thập bát tú…”. Tra cứu Từ điển quan chức Việt Nam, thời Lê Sơ không thấy có chức quan Kiểm cai mà chỉ có các chức như: Kiểm hiệu, Kiểm thảo. Chức Kiểm cai mà (mặt 3) bia ghi Tiến sĩ huyện Đông Yên tại văn chỉ Bình Dân có thể là do khắc nhầm. Đối chiếu với ghi chép của Đại Việt sử lý toàn thư như đã trích dẫn ở trên, có thể khẳng định Đỗ Thuần Thông khi tham gia hội Tao Đàn đang làm trong Hàn lâm viện, giữ chức Kiểm thảo. Khi đối chiếu với chức vụ của các thành viên khác từ Phó Nguyên soái Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận ta thấy, toàn bộ các thành viên hội Tao Đàn đều là các văn thần làm việc tại các cơ quan trung ương của triều đình nhà Lê Sơ. Điều này rất thuận lợi cho việc hội họp, xướng họa thi ca của hội Tao Đàn.
Quan chế thời phong kiến ở nước ta, mỗi cấp chia làm nhiều tư, việc thăng chức tính từng tư, đủ số tư thì thăng 01 cấp. Biếm chức cũng vậy, biếm từng tư, đủ số tư sẽ hạ 01 cấp. Ngày 26/9/1471 (Tân Mão, Hồng Đức thứ 2), vua Lê Thánh Tông định quan chế, thông tư như sau[5]:
Cộng: 24 tư.
Đối chiếu thông tư và phẩm tước thời Hồng Đức.
Sau này, Đỗ Thuần Thông làm quan đến chức Thừa chính sứ (dưới có Thừa chính phó sứ, Tham chính, Tham nghị). Đây là chức trưởng quan của Thừa ty (giữ việc thuế khóa) một đạo trong 12 đạo thừa tuyên dưới thời Hậu Lê. Đối chiếu với quan chế Hồng Đức, chức quan mà Đỗ Thuần Thông nắm giữ cao nhất là Thừa chính sứ, phẩm là Tòng tam phẩm thuộc thông tư Trung ban, bậc thứ 13 trong tổng số 24 bậc (trong đó từ bậc thứ 19 đến bậc thứ 24 chỉ dành cho những người được phong tước Công, Hầu, Bá, Tử, Nam). Trên thông tư Trung ban có thông tư Thượng: Trật, giai, liên, ban, tự, chế, tuyền, liệt và thông tư Trung: Trật, giai, liên. Dưới thông tư Trung ban có thông tư Trung: tự, chế, tuyền, liệt và thông tư Hạ: Trật, giai, liên, ban, tự, chế, tuyền, liệt. Như vậy, con đường quan lộ của Đỗ Thuần Thông đã đi từ thông tư Hạ ban (Hàn lâm viện kiểm thảo, Tòng thất phẩm) bậc thứ 5 đến thông tư Trung ban (Thừa chính sứ, Tòng tam phẩm) bậc thứ 13 theo quan chế Hồng Đức. Đây là một sự thăng tiến đáng kể của một người theo con đường khoa cử. Sau khi đỗ tiến sĩ, Đỗ Thuần Thông được bổ nhiệm làm việc tại cơ quan trung ương thuộc triều đình Lê Sơ làm việc chép sử, sau đó được luân chuyển, điều động đến làm Trưởng quan của Thừa ty một đạo, giữ việc thuế khóa.
Hội Tao Đàn là nơi vua Lê Thánh Tông cùng với các hội viên bàn luận sách vở, trứ tác và xướng họa thơ văn. Các sáng tác thơ văn của hội Tao Đàn được tập hợp trong bộ sách Thiên Nam dư hạ tập. Theo Lịch triều hiến chương loại chí, phần Văn tịch chí của Phan Huy Chú thì Thiên Nam dư hạ tập là bộ sách bách khoa đầu tiên của nước ta, có ghi chép về các thi phẩm của Lê Thánh Tông và các thành viên trong hội Tao Đàn. Đến nay, các tác phẩm của hội Tao Đàn đã không còn được lưu lại đầy đủ, chúng ta chỉ biết đến những tác phẩm quan trọng đó là Hồng Đức Quốc âm thi tập và Quỳnh uyển cửu ca.
Quỳnh uyển cửu ca là tập thơ ca ngợi chế độ thịnh trị đời vua Lê Thánh Tông với 9 chủ đề: Phong niên, Quân đạo, Thần tiết, Minh lương, Anh hiển, Kỳ khí, Thư thảo, Văn nhân và Mai hoa. Các chủ đề này do vua Lê Thánh Tông xướng họa trước các thành viên trong hội Tao Đàn mỗi người đều họa lại theo vần luật, theo chủ đề. Làm một phép tính đơn giản, nếu hội Tao Đàn có 28 thành viên, mỗi thành viên họa đủ 9 chủ đề thì có hơn hai trăm bài thơ. Do nhiều nguyên nhân, các thi phẩm đó đã bị mất mát, không còn đầy đủ. Khi đối chiếu với một số tài liệu còn lưu lại được thì con số hơn hai trăm bài là có thật, nhưng số lượng chính xác chưa xác định được. Qua khảo sát nguồn tư liệu Hán Nôm tại Viện nghiên cứu Hán Nôm và một số cơ quan lưu trữ, với những cứ liệu hiện có thì Đỗ Thuần Thông có họa 08 bài ứng với 08 chủ đề: Phong niên, Quân đạo, Thần tiết, Minh lương, Anh hiển, Kỳ khí, Thư thảo, Văn nhân, không có bài thơ xướng họa theo chủ đề 09: Mai hoa[6].
Như vậy, với tư cách là một thành viên của hội Tao Đàn, Đỗ Thuần Thông đã có những đóng góp nhất định với hội Tao Đàn. Hoạt động sáng tác thơ ca của Đỗ Thuần Thông cùng với các thành viên hội Tao Đàn đã góp phần tô điểm thêm nền thịnh trị thời vua Lê Thánh Tông, tạo nên một dòng chảy rất riêng trong lịch sử thi ca Việt Nam nói chung, trên diễn đàn thi ca Đại Việt lúc bấy giờ nói riêng. Về hành trạng, cuộc đời của vị văn thần này còn rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu làm rõ. Với nguồn tài liệu hiện có, trong phạm vi bài này tác giả chỉ xin dừng lại ở việc đưa thêm một số thông tin để mọi người cùng bàn luận, tìm hiểu, nghiên cứu, bổ sung những thông tin cho đầy đủ, chính xác về nhân vật tài danh này.
Phạm Văn Hợp
(Phòng Nghiệp vụ - Bảo tàng tỉnh Hưng Yên)
[1] Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo chứng: Đại Việt sử ký toàn thư (In theo bản in của Nhà xuất bản Khoa học và xã hội năm 1971-1972), Nxb Thời Đại, 2013, tr. 719-720.
[2] Lâm Giang: Bước đầu tìm hiểu về hội Tao Đàn, Tạp chí nghiên cứu Hán Nôm số 02, năm 1987.
[3]. Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo chứng: Đại Việt sử ký toàn thư (In theo bản in của Nhà xuất bản Khoa học và xã hội năm 1971-1972), Nxb Thời Đại, 2013, tr. 719-720.
[4] Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo chứng: Đại Việt sử ký toàn thư (In theo bản in của Nhà xuất bản Khoa học và xã hội năm 1971-1972), Nxb Thời Đại, 2013, tr. 08.
[5] Đỗ Văn Ninh: Từ điển quan chức Việt Nam, Nxb Thanh niên, 2002, tr. 780 - 781
[6] Lâm Giang: Bước đầu tìm hiểu về hội Tao Đàn, Tạp chí nghiên cứu Hán Nôm số 02, năm 1987.