Trong đợt sưu tầm phục vụ trưng bày chuyên đề “Ký ức thời chiến” nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7/1947 - 27/7/2022, Bảo tàng tỉnh Hưng Yên đã được gia đình ông Lê Xuân Thăng ở thôn Hương Quất, xã Thành Công, huyện Khoái Châu trao tặng lá thư của người em trai là liệt sĩ Lê Trung Phụng. Đây là kỷ vật vô cùng thiêng liêng vì đó là lá thư cuối cùng của liệt sĩ Lê Trung Phụng gửi về gia đình trước khi hi sinh.
Đồng chí Lê Trung Phụng, sinh năm 1952 tại thôn Hương Quất, xã Thành Công, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Tháng 02/1971 nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc đồng chí Lê Trung Phụng xung phong nhập ngũ với nhiệt huyết của tuổi đôi mươi khát khao được cống hiến và chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Sau 4 tháng huấn luyện ở miền Bắc, ngày 01/6/1971 đồng chí được điều đi B và trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Trị Thiên - Huế. Ngày 18/3/1972 đồng chí hy sinh tại huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, cấp bậc Hạ sĩ khi mới bước sang tuổi 20. Hiện nay phần mộ của liệt sĩ Lê Trung Phụng chưa được tìm thấy.
Lá thư được liệt sĩ Lê Trung Phụng viết tại mặt trận Trị Thiên - Huế vào ngày 10 tháng Giêng Tết năm 1972 (tức ngày 24/02/1972 dương lịch) trên khổ giấy 21cm x 16cm gấp đôi viết tay bằng bút mực xanh.
Xuyên suốt bức thư là những dòng tâm sự chân thực, mộc mạc của người chiến sĩ trẻ. Mở đầu là những lời thăm hỏi gửi tới thày mẹ và người thân. Trong phần tiếp theo của lá thư thuật lại tình hình chiến sự tại mặt trận Trị Thiên - Huế nơi đồng chí đang cùng đồng đội tham gia chiến đấu: “… Thày mẹ ạ! Vừa qua thày mẹ và các em chắc có nghe tin chiến thắng trên chiến trường toàn miền Nam và Đông Dương do Đài phát thanh Hà Nội chuyển đi rồi thì phải.
Đúng như vậy đó, chiến trường Trị Thiên - Huế mà con đang tham dự thì cũng giòn giã lắm. Suốt từ 6 giờ chiều ngày mồng 2 Tết đến nay chúng con liên tục tấn công mãnh liệt vào các điểm các cụm ác ôn, tề điệp và bọn bình định giành chính quyền làm chủ. Phong trào đấu tranh chính trị ở Huế cũng như các thành phố Sài Gòn, Đà Nẵng và nông thôn đang cuốn dâng như vũ bão. Những chiến công đó thầy mẹ sẽ phấn khởi chung và phấn khởi riêng với chiến công của con có nằm trong đó.
Thày mẹ ạ, Mỹ đã cút gần hết Ngụy đang nhào. Nich-xơn và Thiệu đang lúng túng. Học thuyết Ních - xơn bị phá sản 8 điểm. Ních - xơn bị mọi người phỉ nhổ. Ngụy (Thiệu) không đảm bảo được Việt Nam hóa chiến tranh. Ngược lại, thế và lực của ta đã lớn và ngày càng mạnh. Hòa bình 7 điểm của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam được sáng tỏ và 10 điểm cho sĩ quan binh lính Sài Gòn đã lôi cuốn chúng tan vỡ và chống dồn quân bắt lính. Để rút quân dễ dàng Mỹ cho máy bay bắn phá kiềm chế ngoài Bắc đã thất bại. Và vừa qua ngày mùng 2 Tết đã bị rơi 7 chiếc mà Quảng Bình, Vĩnh Linh đã lập được…”
Bức thư cuối cùng của Liệt sĩ Lê Trung Phụng (thôn Hương Quất, xã Thành Công, huyện Khoái Châu) viết ngày 10/01/1972 âm lịch
Lời lẽ trong thư không bay bổng hay ẩn chứa những triết lý cao xa mà là những lời mộc mạc, giản dị của một người chiến sĩ đang tuổi đôi mươi nhưng có lý tưởng sống rất rõ ràng. Những lời lẽ trong thư còn là những lời động viên người thân nơi hậu phương hãy tin tưởng vào mình và vào sự thắng lợi của cuộc kháng chiến. Đặc biệt, trong thư còn có những lời dự cảm về một ngày chiến thắng không còn xa: “…Tình hình chuyển biến như vậy, riêng con cũng như tất cả anh em đang cố gắng đấm mạnh vào trung tâm của địch. Ngày chúng con được hồi hương sẽ đến. Nam Bắc sum họp một nhà, con được gặp thày mẹ cùng các em không xa nữa.
Những chặng đường phấn đấu của con nhiều khó khăn lắm nhưng con sẽ cố gắng. Đến ngày gặp lại gia đình con sẽ mang đầy niềm vui sướng nhất của con về thày mẹ và các em mừng”…..
Qua những dòng chữ có thể cảm nhận tác giả của lá thư là một chiến sĩ có trách nhiệm với Tổ quốc, với gia đình, mặc dù đang chiến đấu ở nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh nhưng người chiến sĩ không nghĩ nhiều cho bản thân mà an ủi động viên thày mẹ, anh chị em yên tâm về mình: “… Anh Thăng con tết vừa qua có về nhà ăn tết không. Thày mẹ đã xây dựng gia đình cho anh Thăng con chưa. Vì thày mẹ mỗi tuổi một già, nếu anh con xây dựng với ai thì thày mẹ tổ chức cho anh con để sớm hôm thày mẹ đỡ phải vất vả và suy nghĩ nhiều đến chúng con... Thày mẹ cũng đừng lo cho con. Con vẫn trẻ, tuổi xuân còn dài và mai mốt thống nhất con sẽ lấy vợ Huế và mang vợ về nhà”.
Lá thư được viết kín 04 mặt giấy, song không một giây phút nào cho thấy sự hoang mang, dao động hay kể lể về sự thật phũ phàng của chiến tranh nơi chiến trường. Toàn bộ bức thư luôn toát lên một tinh thần lạc quan, một ý chí chiến đấu vững vàng của người chiến sĩ luôn mang trong mình tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương, gia đình mãnh liệt, luôn tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, sẵn sàng dâng hiến tuổi xuân vì Tổ quốc thân yêu: “ …Con cũng hứa lại như ngày con đi là sẽ nghe lời dạy bảo ân cần của thày mẹ, các bác, chú dì, cậu mợ, cùng bà con cô bác là hoàn thành nhiệm vụ cách mạng làm tròn nghĩa vụ đối với Tổ quốc. Sống chết một lòng. Mãi mãi với dân tròn chữ hiếu. Đời đời với Đảng trọn lòng trung và khi trở về sẽ mang nhiều chiến công”.
Lá thư với những dòng chữ viết vội, nét mực đã bị nhòe trên nền giấy ố vàng ngả màu thời gian đã được gia đình ông Lê Xuân Thăng trân trọng gìn giữ suốt 50 năm qua. Bức thư được gia đình liệt sĩ Lê Trung Phụng trao lại cho Bảo tàng tỉnh Hưng Yên lưu giữ với mong muốn kỷ vật sẽ được phát huy giá trị, giúp thế hệ trẻ cảm nhận được lý tưởng sống cao đẹp của lớp thế hệ cầm súng để từ đó có cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc, có ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ những thành quả cách mạng mà thế hệ cha ông đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc./.
Nguyễn Thị Bình
(Phòng Nghiệp vụ - Bảo tàng tỉnh Hưng Yên)