Nhà Tưởng niệm Liệt sỹ Tô Hiệu tọa lạc tại thôn Tam Kỳ, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Đây là nơi tưởng nhớ và thờ phụng liệt sỹ Tô Hiệu, một người con ưu tú của quê hương Hưng Yên. Ông là nhà cách mạng tiền bối của Đảng, có công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Tô Hiệu sinh năm 1912, là con út trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, yêu nước. Cụ nội của Tô Hiệu là cụ Đốc Nam - Tô Ngọc Nữu, được ca tụng là một trong ba người thầy mẫu mực của Bắc Kỳ đương thời. Thân phụ của Tô Hiệu là cụ Tô Y, thân mẫu là cụ bà Ngô Thị Lý - con gái của Cụ Ngô Quang Huy, nguyên Đốc học Bắc Ninh, một trong những lãnh tụ chủ chốt của phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy cuối thế kỷ XIX. Ngay thừ thuở nhỏ, Tô Hiệu đã tỏ ra là người thông minh và có chí lớn, Cha mất sớm, thân mẫu của Tô Hiệu cùng với người con cả là Tô Tu phải vất vất vả nuôi 5 anh em ăn học. Tô Hiệu được anh cả là Tô Tu cho đi học tại trường tiểu học nam Hải Dương. Năm 1926 khi mới 14 tuổi, Tô Hiệu tham gia phong trào để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh nên bị đuổi học; Tô Hiệu được anh cả Tô Tu tiếp tục cho lên Hà Nội ăn học.
Thời kỳ 1927- 1929, Tô Hiệu cùng với em họ là Tô Gĩ được kết nạp vào tổ chức Xích Vệ đoàn- một tổ chức thanh niên học sinh do Hội thanh niên Việt Nam cách mạng - tổ chức tiền thân của Đảng lãnh đạo. Thời gian này Tô Hiệu tham gia rất tích cực vào các hoạt động của hội như mít tinh, biểu tình giăng biểu ngữ trong những ngày kỉ niệm lớn của Quốc tế, đồng thời còn có nhiệm vụ bảo vệ cho đoàn biểu tình và các đồng chí cán bộ cao cấp được diễn thuyết.
Năm 1930, Tô Hiệu bị mật thám theo dõi, bắt giam và bị kết án 4 năm tù và đày ra Côn Đảo. Chính tại nhà tù Côn Đảo, Tô Hiệu cùng với người anh trai Tô Chấn được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi Tô Hiệu mới 18 tuổi. Tại đây, Tô Hiệu đã được những người cộng sản như Tôn Đức Thắng, Ngô Gia Tự tin tưởng, quan tâm dìu dắt và rèn giũa bản lĩnh người Đảng viên trẻ. Năm 1934, mãn hạn tù, Tô Hiệu được thả và bị quản thúc tại quê nhà làng Xuân Cầu. Vượt lên sự bao vây theo dõi của mật thám Pháp, Tô Hiệu vừa tham gia lãnh đạo phong trào yêu nước, nâng cao dân trí, tập hợp quần chúng ở quê nhà, vừa tìm cách phối hợp với các đồng chí trung kiên để khôi phục lại Xứ ủy Bắc Kỳ. Cuối năm 1936, tại một cuộc họp ở nhà đồng chí Tô Hiệu thuê tại phố Hàng Bột, Hà Nội, cuộc họp có các đồng chí Hoàng Văn Nọn, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh, Tô Hiệu, Nguyễn Văn Minh, Lương Khánh Thiện, Trần Quý Kiên chính thức khôi phục lại Xứ ủy Bắc Kỳ sau những năm phong trào cách mạng thoái trào, các tổ chức Đảng bị tan vỡ. Tại cuộc họp, Tô Hiệu được bầu là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, phụ trách tuyên truyền, huấn luyện công nhân và trực tiếp tham gia lãnh đạo công tác, hoạt động công khai tại Hà Nội (lúc này Hà Nội chưa có Thành ủy).
Cuối năm 1938, Tô Hiệu được Trung ương Đảng phân công làm Bí thư Liên khu B, bao gồm các tỉnh duyên hải Bắc Bộ và Hải Dương, Hưng Yên; đặc trách Bí thư Hải Phòng. Tại đây, đồng chí đã cùng Thành ủy lãnh đạo phong trào cách mạng lên rất cao. Các làn sóng bãi công của công nhân đòi tăng lương giảm giờ làm ở các nhà máy, xí nghiệp thành phố Hải Phòng bừng lên, bùng phát một sinh khí mới. Phong trào đình công của công nhân thành phố cảng tiêu biểu có cuộc bãi công của công nhân nhà máy tơ Thắng Lợi, nhà máy Ta-Pi, Máy Chai, Máy Chỉ, xưởng Chè Buyn-le, Cô-tơ-sích… Các cuộc mít tinh biểu tình lớn chống thuế đã thu hút hàng nghìn người thuộc các giai tầng nhân dân trong thành phố tham gia, đặc biệt là cuộc đấu tranh của công nhân Nhà Máy Tơ Hải Phòng năm 1939, gây được tiếng vang lớn, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lúc đó đang hoạt động ở nước ngoài rất quan tâm chú ý và ca ngợi. Tháng 12/1939, Tô Hiệu bị mật thám Pháp bắt giữ tại cơ sở ấn loát của Thành ủy. Mặc dù thân thể gầy gò bị căn bệnh lao phổi khi bị đày ở nhà tù Côn Đảo hành hạ, lại bị địch tra tấn dã man, rồi dụ dỗ nói đưa sang Pháp chữa bệnh, tĩnh dưỡng. Nhưng dù tra tấn hay mua chuộc, chúng chỉ nhận dược duy nhất một lời khai: “Tôi thất nghiệp ra Hải Phòng để kiếm việc làm, có người thuê tôi in truyền đơn, họ cho tôi tiền nên tôi làm”. Với khí tiết kiên trung và nghị lực của người cộng sản, Tô Hiệu đã vượt qua thử thách ác liệt của kẻ thù. Đồng chí bị kết án tù 5 năm, đày đi nhà ngục Sơn La đầu năm 1940.
Tại nhà ngục Sơn La, Tô Hiệu được bầu là Bí thư Chi bộ. Cùng với Chi ủy nhà tù bao gồm các đồng chí trung kiên có nhiều kinh nghiệm và uy tín như Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân, Trần Đăng Ninh… Tô Hiệu chủ trương đấu tranh cải thiện chế độ nhà tù biến nhà tù thành trường học. Những người tù cách mạng được tham gia học các lớp về chính trị, văn hóa, ngoại ngữ, quân sự, tổ chức nhà nước. Nhờ các lớp đào tạo và đấu tranh này mà khi Cách mạng Tháng 8/1945 nổ ra, hàng trăm cán bộ vốn bị giam giữ tại nhà tù Sơn La đã nhanh chóng làm quen ngay với các vị trí lãnh đạo chủ chốt của cách mạng ở các ngành Trung ương cũng như ở các tỉnh, thành và các địa phương như các đồng chí: Văn Tiến Dũng, Nguyễn Thanh Bình, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân, Hoàng Tùng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Cơ Thạch, Mai Chí Thọ… Thư của ban liên lạc nhà tù Sơn La gửi Trung ương Đảng ngày 15/10/1997 có đoạn viết: “Nhìn lại sự đóng góp của chi bộ nhà tù Sơn La đối với cách mạng thật là to lớn và quý giá: đấu tranh với địch giành được nhiều thắng lợi, tuyên truyền cho binh lính và Nhân dân địa phương hiểu người cộng sản, quý người cộng sản, bảo vệ, đào tạo, bồi dưỡng được nhiều cán bộ cho Đảng, gieo mầm và nhen nhóm phong trào cách mạng cho tỉnh Sơn La, tổ chức cuộc vượt ngục vang dội năm 1943… Tất cả những thành tích đạt được, chúng tôi quy công đầu cho người bí thư chi bộ nhà tù nhiều năm, được tất cả anh em yêu mến, tuyệt đối tín nhiệm, coi như người anh tinh thần, coi như linh hồn của nhà tù là đồng chí Tô Hiệu”.
Đầu năm 1944, lúc này sức khỏe Tô Hiệu gần như suy kiệt, nhưng với tinh thần lạc quan, Tô Hiệu nói với anh em trong chi bộ: “mình biết chắc chắn mình sẽ chết sớm hơn người khác vì vậy phải tranh thủ thời gian chiến đấu phục vụ cho Đảng”. Trước mấy ngày trút hơi thở cuối cùng, Tô Hiệu đã nhờ đồng chí Hoàng Tùng ghi lại bức di chúc cho chi bộ nhà tù Sơn La, trong thư đồng chí khuyên anh em ở lại giữ vững tinh thần chiến đấu, phân tích rõ tình hình thế giới và trong nước, sự tất thắng của Cách mạng. Đồng chí trút hơi thở cuối cùng vào ngày 7/3/1944 trong sự thương tiếc của tất cả các đồng chí và đồng bào. Đồng chí Trường Chinh, nguyên tổng Bí thư Ban chấp hành Đảng cộng sản Việt Nam viết bài “Gương hy sinh Tinh thần Tô Hiệu” đăng trên báo Cờ Giải Phóng, cơ quan tuyên truyền, cổ động của Đảng cộng sản Đông Dương số ra ngày 28/1/1945 nhân kỷ niệm 1 năm ngày hy sinh của đồng chí Tô Hiệu có những dòng đầu tiên như sau: “Nói đến Tô Hiệu, những đồng chí nào đã từng tranh đấu với anh bên ngoài hay đã sống qua với anh trong ngục tối hẳn không thể quên được, với tính điềm đạm nhẫn nại và đầy đức hy sinh, anh xứng đáng là người cộng sản khuôn mẫu”.
Lời tựa của cuốn sách “Tinh Thần Tô Hiệu” của đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Đảng cộng sản Việt Nam có đoạn viết: “Đồng chí Tô Hiệu là một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, tham gia hoạt động cách mạng từ thuở thiếu niên và đã hi sinh ở nhà ngục Sơn La năm 1944 lúc 32 tuổi. Cuộc đời của đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến của đồng chí cho dân tộc, cho cánh mạng thật là to lớn. Đồng chí đã có công gây dựng và phát động phong trào cách mạng ở Hà Nội, Hải Phòng và liên tỉnh B, bao gồm các tỉnh miền Duyên Hải Bắc Bộ và Hải Dương, Hưng Yên; khôi phục lại Xứ ủy Bắc Kỳ cuối năm 1936. Trong những năm bị địch bắt giam, đồng chí Tô Hiệu đã góp phần rất quan trọng biến nhà tù Sơn La thành trường học, đào tạo được nhiều cán bộ ưu tú cho Đảng cho cách mạng…”.
Nhà cách mạng Tô Hiệu đã hy sinh nhưng Tinh thần Tô Hiệu mãi bất diệt và trở thành một di sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc, một niềm tự hào của các thế hệ con cháu dòng họ Tô và những người dân Hưng Yên cũng như người dân trong cả nước. Sự tích Cây đào Tô Hiệu tại nhà ngục Sơn La đã đi vào các trang sách và được coi là biểu tượng của tinh thần lạc quan cách mạng. Tên của anh hùng liệt sỹ Tô Hiệu đã được đặt cho nhiều con đường, trường học, nông trường, địa danh trên cả nước.
Để tri ân và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ về tấm gương bất khuất, kiên trung, trọn đời của chiến sĩ cộng sản Tô Hiệu, năm 2000, tỉnh Hưng Yên đã xây dựng nhà Tưởng niệm. Nhà Tưởng niệm được làm theo kiến trúc truyền thống đồng bằng Bắc Bộ và nằm trong khuôn viên Nhà thờ của dòng họ Tô, trên chính mảnh đất tổ tiên của Liệt sỹ Tô Hiệu đã sinh ra và lớn lên. Cổng Nhà tưởng niệm được xây gạch chỉ, theo kiểu truyền thống, hai bên trụ cổng đắp nổi đôi câu đối chữ Hán:
Phiên âm:
Anh danh lưu thiên địa,
Mỹ đức vượng gia hương.
Dịch nghĩa:
Tiếng thơm của người anh hùng còn lưu lại với trời đất,
Đạo đức tốt đẹp của người anh hùng làm giàu có cho gia đình và quê hương.
Nhà tưởng niệm liệt sỹ Tô Hiệu gồm 3 gian tiền bái và 1 gian hậu cung, được làm bằng gỗ tứ thiết; các bộ vì được làm kiểu con chồng đấu sen kết hợp với kiểu kèo giá chiêng trụ chốn, tạo cho không gian nội thất được thoáng rộng. Các đề tài trang trí chủ yếu là hoa văn lá lật truyền thống trang trí chủ yếu ở ở hai bộ vì hồi và trên các đấu sen kê trên các trụ cột. Gian Hậu cung bài trí ban thờ với ảnh và tượng đồng chí Tô Hiệu, trên xà thượng trước gian hậu cung treo bức Đại Tự:
Phiên âm:
Đại nghĩa lưu phương
Dịch nghĩa:
Nghĩa lớn hương thơm còn tỏa mãi
Dưới Đại tự là bức cửa võng trang trí công phu với đề tài tứ linh, tứ quý cách điệu mềm mại và sống động. Hai cột cái treo đôi câu đối:
Phiên âm:
Vạn lý đào hoa nghênh quốc vận,
Thiên thu hồng nhật chiếu gia thanh.
Dịch nghĩa:
Muôn dặm hoa đào nở mừng vận hội mới của đất nước,
Ngàn năm mặt trời còn chiếu sáng thanh danh của dòng họ Tô.
Toàn bộ khu nội tự của ba gian nhà thờ dùng để trưng bày những hiện vật và hình ảnh quý về thân thế sự nghiệp và cuộc đời hoạt động của liệt sĩ Tô Hiệu được sắp xếp từ trái qua phải theo 3 chủ đề: Quê hương, gia đình và dòng họ; Tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Tô Hiệu; Những tình cảm của đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với đồng chí Tô Hiệu. Trong đó có những hình ảnh, hiện vật và tài liệu tiêu biểu như: Ảnh của đồng chí Tô Hiệu cùng một số bạn chiến đấu và gia đình tại quê hương Xuân Cầu; ảnh đồng chí Tô Hiệu mang số tù trong thời gian bị giam giữ tại nhà tù Côn Đảo (1930 -1934); ảnh của đồng chí Tô Hiệu, Bí thư chi bộ nhà tù Sơn La 5/1940 -10/1941. Các hình ảnh, hiện vật có giá trị cao về văn hóa và lịch sử được chọn lọc, sưu tầm công phu như: phiên bản bia mộ của liệt sỹ Tô Hiệu; các vật dụng tra tấn của nhà tù thực dân; mô hình nhà ngục Sơn La; chiếc máy chữ đồng chí Tô Hiệu sử dụng đánh máy tài liệu năm 1938 -1939; bút tích gốc của các đồng chí lãnh đạo, bạn chiến đấu của đồng chí Tô Hiệu viết cảm tưởng nhân dịp về dự giỗ và thắp hương tại nhà thờ… Mặc dù không gian trưng bày không lớn, nhưng các hiện vật, hình ảnh được sắp xếp khoa học, như một bảo tàng nhỏ nên người viếng thăm có thể hình dung hoàn cảnh sinh ra và lớn lên, cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn, tinh thần bất khuất kiên trung của người cộng sản mẫu mực và nhà lãnh đạo tài năng của Đảng - Tô Hiệu. Phần trưng bày cũng thể hiện tình cảm của Đảng và Nhà nước cho đến các em học sinh, những người dân bình dị thôn quê đối với Tô Hiệu.
Bên cạnh nhà Tưởng niệm liệt sỹ Tô Hiệu là Nhà thờ Họ Tô chi cụ Đốc Nam - Tô Ngọc Nữu. Hai nhà thờ nằm vuông thước thợ, cùng chung sân. Mặt bằng Từ đường có kiến trúc kiểu chữ nhất, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói âm dương. Chính giữa đường bờ nóc là bức cuốn thư đắp nổi 6 chữ hán “Đốc Nam Tô thị từ đường”. Lòng nhà chia làm 5 gian, hệ cửa làm kiểu bức bàn theo kiểu thượng song hạ bản; kết cấu các bộ vì kèo làm bằng gỗ tứ thiết theo kiểu con chồng đấu sen; đề tài trang trí chủ yếu tập trung ở bộ vì hồi và các bức cốn trên vì nách tại hai gian hồi với các đề tài trúc/mai hóa long, các đấu kê và trên các con chồng, đầu các xà nách chạm cánh sen, hoa văn lá lật mềm mại. Gian giữa nhà thờ là nơi đặt khám thờ, bên trong đặt 4 bài vị của các vị liệt tổ họ Tô gần nhất là: bài vị của cụ Tô Ngọc Nữu đời thứ 8; cụ Tô Phát đời thứ 9; Tô Y đời thứ 10; cụ Tô Tu đời thứ 11. Hai cột treo đôi câu đối do Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu sáng tác:
Phiên âm:
Báo quốc công huân huynh cập đệ,
Truyền gia trung nghĩa tử lưu tôn.
Dịch nghĩa:
Anh em thay nhau lập công vì đất nước,
Truyền thống trung nghĩa của gia đình được truyền từ đời trước sang đời sau.
Gian hồi Phải trên treo bức đại tự 壽春 (Xuân Thọ) phía dưới là bức trướng được làm bằng gỗ. Theo niên đại và dòng lạc khoản, bức đại tự được tạo tác năm Bính Tý (1866) niên hiệu vua Tự Đức và bức trướng do các học trò của cụ Đốc Nam bái tặng cụ được làm năm Tân Mùi (1871) để mừng thọ cụ Đốc Nam nhân mừng thọ cụ năm 50 tuổi và 55 tuổi. Nội dung bức trướng với lời văn hàm súc, ngôn từ đẹp đẽ, ca ngợi công đức của vị học quan thanh liêm, chính trực, nhà giáo đức độ và tài năng Đốc Nam Tô Ngọc Nữu cũng như tình thầy trò sâu sắc của người xưa. Bức đại tự và bức trướng là hiện vật nguyên gốc, được nghệ nhân làm bằng gỗ vàng tâm, chữ Hán khắc tuyệt đẹp, chế tác cách đây trên dưới 150 năm với nội dung phong phú, hàm chứa giá trị nhân văn, giáo dục và lịch sử, văn hóa, là hiện vật vô giá cần được nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị.
Bên trái Từ đường bài trí một bàn nhỏ để con cháu dòng họ tiếp khách trong các dịp lễ, tết và khi có các đoàn khách về thăm viếng. Ngoài các hiện vật cổ và quý hiếm, phần nội thất Từ đường còn bài trí nhiều hình ảnh và những tài liệu về truyền thống của dòng họ đặc biệt có: tượng danh nhân cách mạng Tô Chấn do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tặng cùng đại câu đối 128 chữ (mỗi vế 64 chữ) tổng kết cuộc đời các mạng của nhà cách mạng Tô Chấn do Giáo sư anh hùng lao động Vũ Khiêu sáng tác; bức tượng cụ cả Tô Tu, anh ruột của Tô chấn và Tô Hiệu, một người trưởng họ, người anh cả mẫu mực của đại gia đình họ Tô; bằng Bà mẹ Việt Nam anh hùng của Chủ tịch nước tặng cụ bà Ngô Thị Lý, thân mẫu của hai liệt sỹ Tô Chấn và Tô Hiệu; các hình ảnh của một số hậu duệ tiêu biểu khác của cụ Đốc Nam như: nhà văn Nguyễn Công Hoan, ông Lê Văn Lương (tức Nguyễn Công Miều), ông Tô Gĩ (tức Lê Giản), ông Tô Quang Đẩu, ông Tô Duy…
Nổi bật giữa sân nhà thờ là cây đào được chiết từ cây đào Tô Hiệu ở nhà tù Sơn La do Tỉnh ủy Sơn La tặng năm 1998.
Với những giá trị trên, Nhà Tưởng niệm Liệt sỹ Tô Hiệu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 3080/QĐ-BVHTTDL ngày 27/10/2020.
Kim Ưng
(Phòng Nghiệp vụ - Bảo tàng tỉnh Hưng Yên)
Tài liệu tham khảo:
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Danh nhân Hưng Yên, 2019.
2. Bảo tàng tỉnh Hưng Yên: Di tích lịch sử văn hóa Hưng Yên, 2005.
3. Hội khoa học lịch sử Việt Nam: Tinh thần Tô Hiệu.
4. Ban Quản lý Di tích tỉnh: Lý lịch Di tích Nhà Tưởng niệm đồng chí Tô Hiệu.