NHỮNG HIỆN VẬT LIÊN QUAN TỚI TRẬN CÀN “TRÁI CHANH” ĐANG LƯU GIỮ, BẢO QUẢN, TRƯNG BÀY TẠI BẢO TÀNG HƯNG YÊN

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), quân và dân Hưng Yên cùng với nhân dân cả nước đã chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, làm nên những chiến công vang dội như “Đường 5 bất khuất, Bãi Sậy kiên cường”, phong trào “Du kích Hoàng Ngân”, mô hình “Làng kháng chiến” kiểu mẫu của đồng bằng Bắc Bộ. Với những chiến công to lớn, Hưng Yên đã được Bác Hồ tặng Cờ “Đoàn kết nhân dân đánh thắng giặc Pháp” (1952). Trong những chiến công của quân và dân Hưng Yên, chiến thắng trận càn “Trái Chanh” thực sự là trang sử vàng chói lọi, là niềm tự hào của mảnh đất và con người Hưng Yên với chủ nghĩa yêu nước sâu sắc.

Ngày 25/9/1951, thực dân Pháp mở trận càn Trái Chanh (Citiron) với mục đích nhằm tiêu diệt bộ đội và khu du kích liên hoàn rộng lớn của ta ở Phù Cừ, Tiên Lữ, Ân Thi (Hưng Yên) và Bình Giang, Ninh Giang, Thanh Miện (Hải Dương). Lực lượng của địch tham gia chiến dịch này gồm: 03 binh đoàn cơ động (GM 1,2,3) và lực lượng phối thuộc, tổng cộng 11 tiểu đoàn, với khoảng 10.000 quân và 04 cụm pháo binh lớn đặt ở La Tiến, Chợ Thi (Hưng Yên), Ninh Giang, Kẻ Sặt (Hải Dương). Trên địa bàn Hưng Yên, địch triển khai chiến dịch “Trái Chanh” theo 02 hướng chính: Một cánh quân từ Ân Thi tiến xuống Bắc Phù Cừ (Long Cầu, Phú Mãn). Một cánh quân từ La Tiến đánh lên khu trung Phù Cừ (Phan Xá, Tống Xá).

Ở hướng bắc, sau khi bắn pháo vào Long Cầu, Đồng Kệ, Phú Mãn, địch tiến vào Long Cầu. Đại đội 22 của ta chặn đánh quyết liệt, từ sáng đến trưa ta đánh lui 8 đợt tấn công của địch, giữ vững trận địa. Địch buộc phải gọi yểm trợ. Pháo của địch ở La Tiến bắn lên dồn dập cùng với đó là sự tham gia của 8 máy bay khu trục đến ném bom bắn phá. Đêm 25/9/1951, Đại đội 22 đã bí mật rút khỏi trận địa an toàn.

Cánh quân địch ở phía nam tiến đến đầu thôn Ngũ Lão bị Đại đội 27 của ta phục kích, chặn đánh từ ngoài làng, buộc phải chạy về bốt Nhật Lệ.

Ở Phan Tống Xá, cuộc chiến diễn ra rất ác liệt. Đại đội 20 bố trí 02 trung đội ở Phan Xá để địch vào cách 10m mới nổ súng và phối hợp với bộ đội bố trí ở Tống Xá xuất kích bắt tù binh, thu vũ khí. Địch dồn sức tấn công nhưng sau 07 lần vẫn không đột phá vào làng được. Nhân dân Phan Tống Xá vừa nấu cơm tiếp tế cho bộ đội vừa tham gia bắt giữ tù binh, khuân vác vũ khí, chiến lợi phẩm.

Qua một ngày đêm chiến đấu, quân và dân ta ở trận địa Phan Tống Xá và Long Cầu, Phú Mãn đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.050 tên địch, bắt sống 25 lính Âu - Phi, xóa sổ Tiểu đoàn 4 thuộc Trung đoàn 7 bộ binh Angiêri (4/7 RTA), thu hàng trăm khẩu súng. Ta hy sinh 01 trung đội trưởng, 18 chiến sĩ[1]. Trong chiến thắng lịch sử này, lực lượng du kích, bộ đội và nhân dân Phan Xá, Tống Xá, Long Cầu, Phú Mãn, Ngũ Lão… đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu, phối hợp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, làm nên một kỳ tích nằm ngoài dự tính của quân đội viễn chinh Pháp. Những phương tiện được sử dụng chủ yếu trong trận càn là vũ khí thu được của địch và đặc biệt hàng ngàn vũ khí vũ khí thô sơ, tự chế như cuốc, thuổng, dao, gậy, đòn gánh, búa chim, thau đồng... của bộ đội, du kích, đánh địch trong mọi lúc, mọi nơi, ngay ở địa phương mình đã khiến cho quân Pháp khiếp đảm. Chiến thắng trận càn “Trái Chanh” là một trong những chiến công vang dội trong lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp của quân và dân Hưng Yên. Đây là lần đầu tiên bộ đội địa phương và dân quân du kích đánh thắng binh đoàn cơ động (GM), giải quyết được cả về tư tưởng và chiến thuật, giúp củng cố niềm tin và cho thấy rõ khả năng quân ta có thể bám trụ, đánh bại mọi lực lượng của quân Pháp.

Trong số hơn 300 hình ảnh, hiện vật, tư liệu quý liên quan đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang được trưng bày và lưu giữ, bảo quản tại kho Bảo tàng tỉnh Hưng Yên, có 06 hiện vật liên quan trực tiếp đến trận càn “Trái Chanh”. Số hiện vật này chia làm 03 nhóm.

- Hiện vật là vũ khí của quân dân Hưng Yên tham gia đánh trận càn “Trái Chanh” tại Long Cầu: Súng trung liên số 626612 (số đăng ký 83/KL.95). Đây là một trong những vũ khí của C20 bộ đội Tỉnh đội Hưng Yên do đồng chí xạ thủ trung liên Nguyễn Anh Văn (sau này đồng chí trở thành Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 1952) chỉ huy kết hợp với du kích xã Trường Chinh (nay là xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ) chiến đấu với quân Pháp. 

- Nhóm hiện vật là đồ dùng sinh hoạt của nhân dân địa phương sử dụng phục vụ chiến đấu, gồm: Nồi (số đăng ký 53/KL.65), Ấm đồng (số đăng ký 54/KL.66): Nhân dân xã Quyết Tiến (nay là xã Tống Phan), huyện Phù Cừ dùng để nấu cơm, đun nước phục vụ 02 Đại đội chiến đấu ngay tại trận địa chống càn trong trận “Trái Chanh”.

- Nhóm hiện vật là chiến lợi phẩm của quân dân Hưng Yên thu được của thực dân Pháp trong trận càn "Trái Chanh" tại Phan Tống Xá, gồm: Súng tiểu liên (số đăng ký 80/KL.92), súng pháo hiệu (số đăng ký 57/KL.69), súng lục Pê-tăng-tuyt (số đăng ký 42/KL.54).

 Những hiện vật nêu trên là bằng chứng lịch sử rất có giá trị phản ánh một cách chân thực, sinh động cuộc chiến trường kỳ và gian khổ trong kháng chiến chống Pháp; thể hiện truyền thống thượng võ, yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng quê hương, đất nước của quân và dân Hưng Yên.

Đặng Thị Kim Xoa
(Phòng Nghiệp vụ - Bảo tàng tỉnh Hưng Yên)

[1] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên (2008), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, Tập I, Nxb Văn hóa - Thông tin, tr. 231-233.