Hưng Yên - mảnh đất văn hiến và hiếu học, quê hương của 228 người đỗ đại khoa trong đó có 08 người đỗ Trạng nguyên, 04 Bảng nhãn, 06 Thám hoa, 47 Hoàng giáp[1]. Trong đó có những vị đăng khoa từ rất sớm như Đỗ Thế Diên (1185), hay đỗ đạt khi tuổi đời còn rất trẻ như Nguyễn Trung Ngạn đỗ Hoàng giáp năm 16 tuổi… Trong tổng số 21 làng khoa bảng tiêu biểu trên cả nước (tức các làng có từ 10 Tiến sỹ trở lên), Hưng Yên đã có 9 làng được coi là truyền thống khoa bảng trong đó nổi bật là dòng họ Dương làng Ngọc Quả xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Xã Lạc Đạo là một trong năm xã của Tổng Lạc Đạo, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, Trấn Kinh Bắc (nay là thôn Ngọc, xã Lạc Đạo, huyên Văn lâm, tỉnh Hưng Yên). Đây là làng quê văn hiến, có truyền thống khoa bảng, như Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí có ghi lại: “Kinh Bắc đó là nơi có mạch núi cao vót, nhiều sông vòng quanh, là mạn trên của nước ta. Phong cảnh thì phủ Bắc Hà, Lạng Giang là đẹp hơn cả. Văn học thì phủ Từ Sơn, Thuận An nhiều hơn. Mạch đất tốt tụ vào nên sinh ra nhiều danh thần. Vì là hồn khí trọng ở phương Bắc phát ra nên khác với mọi nơi”. Có lẽ chính vì thế mà Lạc Đạo đã hình thành một làng khoa cử với với 11 vị đại khoa, trong đó riêng dòng họ Dương đã có 8 Tiến sĩ, 1 Trạng nguyên. Khi nhắc đến họ Dương người dân vẫn truyền nhau câu ca:
“Nhất đại Trạng nguyên, bát Tiến sĩ
Tam Công, Hầu, Bá lục Thượng thư”
Thủy tổ dòng họ Dương là cụ Dương Công Phùng, người xã Lạc Xuyên, huyện Kỳ Hoa, tỉnh Nghệ An (nay thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Dương Công Phùng sống bằng nghề đốn củi, sinh được người con trai là Dương An, sau cho đi học và thi đỗ, được bổ làm quan Tri huyện. Từ đây, dòng họ Dương phát triển chia thành nhiều chi, trong đó có một chi đến định cư ở xã Lạc Đạo, tổng Lạc Đạo, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc (nay là xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Đây là chi có nhiều người đỗ đạt nhất của dòng họ Dương. Trong khoảng 200 năm (từ 1547 đến 1754), ngoài cụ tổ Dương Phúc Tư đỗ Trạng nguyên khoa Đinh Mùi niên hiệu Vĩnh Định 1 (1547), trong dòng họ con cháu đời sau có nhiều đời cha con, anh em cùng đăng khoa. Vì vậy, trong các cuốn Đăng khoa lục khi chép về các Tiến sĩ họ Dương ở Lạc Đạo thường có dòng chữ “nhiều đời đăng khoa”. Đó là các Tiến sĩ:
- Dương Thuần (1587-1667): đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1628), niên hiệu Vĩnh Hựu nhà Lê. Ông là cháu của Dương Phúc Tư, cha của Dương Hạo.
- Dương Hoàng (1597 - 1656): đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Đinh Sửu (1637), niên hiệu Dương Hòa nhà Lê. Ông là cháu của Dương Phúc Tư, em Dương Thuần và là chú của Dương Hạo.
- Dương Hạo (1615 - 1672): đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1640), niên hiệu Dương Hòa nhà Lê. Ông là Tằng tôn của Dương Phúc Tư, con của Dương Thuần.
- Dương Lệ (1687 - 1741): Đỗ đồng Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1712), niên hiệu Vĩnh Thịnh nhà Lê; Ông là cháu sáu đời của Dương Phúc Tư, Tằng tôn của Dương Thuần, cháu của Dương Hoàng.
- Dương Quán (1692 - ?): đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1718), niên hiệu Vĩnh Thịnh nhà Lê. Ông là cháu sáu đời của Dương Phúc Tư, Tằng tôn của Dương Thuần cũng là Tằng tôn của Dương Hoàng, cháu của Dương Hạo, em của Dương Lệ;
- Dương Công Thụ (1696 - 1757): đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Tân Hợi (1731), niên hiệu Vĩnh Khánh nhà Lê. Ông được tặng Thượng thư, tước Đạo Quận công, ban phong là Phúc thần.
- Dương Trọng Khiêm (1727 - 1787): đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1754), niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê, về sau đổi tên là Trọng Tế. Ông là em của Dương Sử, anh em cùng đỗ một khoa.
- Dương Sử (1716 - 1779): đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Giáp Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng 15 (1754). Ông là anh của Dương Trọng Khiêm, anh em cùng đỗ một khoa.
Tất cả các nhà khoa bảng họ Dương xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm được ghi danh vào văn bia tại Quốc Tử Giám Hà Nội. Đây là một vinh dự to lớn, bởi trong rất nhiều người theo nghiệp khoa cử, ngày đêm đèn sách dùi mài kinh sử thì có số ít cá nhân xuất chúng mới vinh dự được ghi danh bảng vàng, nhận được ân điển “vinh quy bái tổ”. Sự tôn vinh đó khiến cả xã hội đặc biệt là những kẻ sĩ phải ngưỡng vọng, theo đó mà thêm tu chí, gắng học để đạt được.
Với Quốc Tử Giám Thăng Long - Hà Nội những nhà khoa bảng họ Dương xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm cũng có những đóng góp nhất định đối với sự nghiệp giáo dục tại ngôi trường được coi là trường đại học đầu tiên của nước ta. Trong đó phải kể đến hai vị từng giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám Thăng Long - Hà Nội: Tiến sĩ Dương Hạo và Tiến sĩ Dương Công Thụ. Đây là những người trực tiếp đóng góp vào việc giáo dục, bồi đắp những nhân tài cho đất nước.
Dương Hạo là người đầu tiên của dòng họ Dương tham gia công việc ở Quốc Tử Giám. Ông làm quan tới chức Ngự sử đài Đô Ngự sử. Tuy nhiên, các nguồn tài liệu này lại không ghi chép về chức quan Tư nghiệp Quốc Tử Giám mà ông từng đảm nhận. Về điều này sách Đại Việt sử ký Toàn thư (tháng 11 năm 1664) có chép: “… Xét công đi sứ. Lấy Lễ bộ Hữu Thị lang Phương Quế bá Lê Hiệu làm Công bộ Thượng thư, thăng tước Hầu; Quốc Tử Giám Diên Lộc tử Tư nghiệp Dương Hạo là Công bộ Tả Thị lang, thăng tước Bá;...”[2]. Có việc này là do (tháng 6, năm 1663): “… Lúc ấy, nhà Minh đã mất,… Về phần nhà Lê chưa từng sai sứ thần sang thông hiếu với nhà Thanh. Năm trước, triều đình nhà Thanh cho người đem sắc thư dụ bảo và tặng cho bạc và lụa. Vì thế mới bắt đầu sai Chánh sứ Lê Hiệu, Phó sứ Dương Hạo và Đồng Tồn Trạch sang nhà Thanh nộp lễ cống hàng năm, tạ ơn việc tặng bạc, lụa và cáo phó việc Lê Thần Tông mất…”[3].
Cho đến nay, các nguồn sử liệu không cho biết ông làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám trong khoảng thời gian nào. Theo như ghi chép của Đại Việt sử ký Toàn thư thì vào thời điểm tháng 11 năm 1664, Dương Hạo đang giữ làm chức vụ này rồi nhưng ông làm đến bao giờ thì chưa rõ.
Về Dương Công Thụ, hiện nay, tại nhà thờ Tiến sĩ Dương Công Thụ xã Lạc Đạo vẫn còn một tấm bia cổ. Đây là một nguồn tư liệu quý cung cấp cho chúng ta những thông tin quan trọng về hành trạng của nhà khoa bảng này. Nội dung bia thần đạo cho biết: Dương Công Thụ có tiếng tăm tốt đẹp, vang dội khắp nơi, được nhiều lần cất nhắc. Sau được thăng đến hàm Kim tử Vinh lộc đại phu, chức Nhập thị Bồi tụng Tả Tư giảng, Hữu Thị lang Bộ Lại, kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, tước Đạo Phái bá, văn chương đạo đức của ông đứng hàng đầu một thời. Trong văn bia cũng nhắc tới thời kỳ cụ làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám được vào phủ dạy Thái tử tri thức để an bang định quốc, trọng dụng hiền tài để làm cho đất nước thêm hưng thịnh, vậy nên trong ngôi nhà thờ của Tiến sĩ Dương Công Thụ tại xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm hiện còn đôi câu đối:
Công tại bang gia danh tại sử;
Sinh nhi sư phó tử nhi thần.
Tạm dịch:
Công đất nước ghi tên trong sử sách;
Sống ngôi sư phó chết ngôi thần.
Hay:
Vi đế vương sư vinh dĩ túc;
Hưởng thần nhân phúc vĩnh vô cùng.
Tạm dịch:
Làm thầy vua chúa vinh quang đủ;
Hưởng phúc thần nhân mãi vô cùng.
Vì có nhiều công lao với triều đình, nên những người thân của Tiến sĩ Dương Công Thụ cũng được ban tặng sắc: Cụ Dương Công Hãn (là ông nội) được phong là Thừa chỉ; bà Trần Thị Phấn (là bà nội) tặng là Liệt phu nhân. Cụ Dương Công Hiển (là cha) được phong là Tự khanh, bà Lý Thị Loan (là mẹ) được phong là Liệt phu nhân; Cụ bà Trần Thị Lưu (là vợ cả) được ban là Phu nhân; cụ bà Trần Thị Ngao (là vợ lẽ) được ban là Tự phu nhân; Người con nuôi là Dương Công Tôn được phong là Hoằng tín đại phu. Bản thân Dương Công Thụ trước sau cũng được ban 20 đạo sắc. Đây là nguồn tư liệu quý cho chúng ta hiểu thêm về cuộc đời cũng như các chức vụ mà ông đã trải qua. Xin lược dịch đạo sắc thứ 12 và 13 như sau:
Đạo thứ 12:
Sắc ban cho Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu Tả tư giảng Thiêm sai Tri sự Nội thư Tả lại phiên Hàn Lâm viện Thừa chỉ Đạo Phái bá Trụ quốc Thượng trật liên Dương Công Thụ, là người có tư tưởng, tài năng, đảm trách công việc mẫn cán, chuyên cần vâng mệnh Đại nguyên soái Thống quốc chính Thượng sư Minh vương [Trịnh Doanh] chỉ chuẩn ban ơn, lại được triều thần đề nghị thăng cho ông [Dương Công Thụ] giữ chức Tư nghiệp, phong là Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu Tả Tư giảng Thiêm sai Tri Thị nội thư tả lại phiên Hàn Lâm viện thừa chỉ kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp Đạo Phái bá Trụ quốc Thượng liên.
Vậy nên ban sắc!
Ngày 16 tháng 12 năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749).
Đạo thứ 13:
Sắc ban cho Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu Nhập thị Bồi tụng Tả tư giảng Tri thị Nội thư Tả lại phiên Ngự sử đài thiêm Đô ngự sử kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp Đạo Phái bá Trụ quốc Thượng liên Dương Công Thụ, là người có tư tưởng tài năng, đảm trách công việc trung tín, chuyên cần vâng mệnh Đại nguyên soái Thống quốc chính Thượng sư Minh vương [Trịnh Doanh] chỉ chuẩn ban ơn, lại được triều thần đề nghị thăng cho ông [Dương Công Thụ] giữ chức Lại bộ Hữu Thị lang, luận theo tước phong là Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu Thị Bồi tụng Lại bộ Hữu Thị lang Tả Tư giảng kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp Đạo Phái bá Trụ quốc Thượng liên.
Vậy nên ban sắc!
Ngày 17 tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 14 (1753).
(Nguồn: Thế phả họ Dương xã Lạc Đạo, trấn Kinh Bắc, nước Đại Nam, Số hiệu A.1000, Viện Nghiên cứu Hán Nôm).
Về những đóng góp của Tư nghiệp Dương Hạo và Dương Công Thụ với Quốc Tử Giám vẫn cần phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu. Nhưng chắc chắn rằng hai vị Tiến sĩ họ Dương này đã có những cống hiến nhất định đối với sự ghiệp giáo dục đào tạo nhân tài tại Quốc Tử Giám, góp phần tô điểm vào lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc những nét tươi sáng, rất đáng tự hào.
Nguyễn Mạnh Hà
(Phòng Nghiệp vụ - Bảo tàng tỉnh Hưng Yên)
Tài liệu tham khảo:
1. Bảo tàng tỉnh Hưng Yên: Văn bia thành phố Hưng Yên, 2012.
2. Bảo tàng tỉnh Hưng Yên: Di tích Nho học và khoa bảng tỉnh Hưng Yên, 2013.
3. Nguyễn Kim Măng: Vị Trạng nguyên đời Mạc và các vị khoa bảng họ Dương, Thông báo Hán Nôm học năm 2005, Nxb. KHXH, H. 2006.
4. Nguyễn Kim Măng: Tấm bia thần đạo về Thượng thư họ Dương do Nguyễn Nghiễm soạn, Thông báo Hán Nôm học năm 2008, Nxb. KHXH, 2010.
5. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Viện Sử học: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, Quyển XXXIII, Nxb Giáo dục, 1998.
6. Thế phả họ Dương xã Lạc Đạo, trấn Kinh Bắc, nước Đại Nam, Số hiệu A.1000, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
7. Sở Văn hóa - Thông tin Hưng Yên, Thư viện tỉnh Hưng Yên: Các nhà khoa bảng Hưng Yên, 1999.
8. Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học: Đại Việt sử ký Toàn thư, Bản kỷ, Quyển XIX, Nxb Khoa học xã hội, 1993.
[1] Sở Văn hóa, thông tin, Thư viện tỉnh Hưng Yên (1999): Các nhà khoa bảng Hưng Yên, tr.6.
[2] Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học: Đại Việt sử ký Toàn thư, Bản kỷ, Quyển XIX, Nxb Khoa học xã hội, 1993, tr. 692.
[3] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Viện Sử học: Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Cương mục), Chính biên, Quyển XXXIII, Nxb Giáo dục, 1998, tr. 717.