Sau khi giành lại quyền tự chủ từ các triều đại phương Bắc, các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi nhiều chính sách tiến bộ nhằm không ngừng củng cố, giữ vững và xây dựng một quốc gia độc lập. Trọng tâm trong các chính sách đó là việc bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài, bởi “hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh chẳng ai không coi việc kén chọn kẻ sỹ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí là việc làm cần kíp”[1]. Để tuyển chọn được người có thực tài, các nhà nước phong kiến Việt Nam đã xây dựng và thực thi chế độ khoa cử, vì “con đường tìm người tài giỏi, trước hết là khoa mục. Phàm muốn thu hút người tài năng, tuấn kiệt vào trong phạm vi của mình, thì người làm vua một nước không thể nào không có khoa cử…”[2]
Thi Hương là một trong ba kỳ thi được triều đình phong kiến tổ chức (thi Hương, thi Hội, thi Đình). Đây là kỳ thi duy nhất được tổ chức ở trấn (từ năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) trở đi gọi là tỉnh). Mỗi địa điểm thi được gọi là một trường (trường thi) dành cho thí sinh của một số trấn (tỉnh) nhất định. Số lượng trường thi, tên và địa điểm các trường thi có sự thay đổi qua các thời. Thi Hương có từ triều Trần nhưng theo Phan Huy Chú thì mãi đến năm 1396 mới “có chiếu định cách thức thi cử nhân”[3]. Các đời sau nối theo và ban hành thêm các quy định chặt chẽ hơn. Nhằm đảm bảo chất lượng nho sinh tham gia các kỳ thi, năm Vĩnh Trị 3 (1678), điều lệ thi Hương được ban hành “…Các xã phường trưởng phải xét thực những học trò trong phường xã mình, có ai thông văn lý thì khai ra, phường xã lớn 20 người, phường xã trung 15 người, phường xã nhỏ 10 người không được quá lạm. Ít thì không buộc phải đủ số, không có thì không khai. Gián hoặc có người chưa đến 18 tuổi cũng cho đi thi để mở rộng đường lấy người tài giỏi… Nếu khai không đúng, khai người không học làm người có học, hay tự tiện khai lộn người làng khác vào làng mình để đi thi thì cho các học trò được tố cáo tại huyện châu, tra ra nếu đúng thực thì xét hỏi, xử tội sung quân…”[4]. Thi Hương gồm có 4 kỳ (Kỳ 1 thi Kinh nghĩa; Kỳ 2 thi thơ, phú; Kỳ 3 thi Chiếu, chế, biểu; Kỳ 4 thi Văn sách). Đỗ kỳ trước mới được thi kỳ sau. Thí sinh trúng tuyển trong kỳ thi Hương mới được đi thi Hội. Người đỗ 4 kỳ trong thi Hương được gọi là Hương cống; Thi đỗ 3 kỳ gọi là Sinh đồ nhưng không được thi Hội. Đỗ đầu thi Hương gọi là Giải nguyên. Đến thời Minh Mệnh (1820 - 1840), đổi gọi các danh hiệu Hương cống thành Cử nhân; Sinh đồ thành Tú tài.
Quốc triều Hương khoa lục của học giả Cao Xuân Dục là công trình nghiên cứu chuyên sâu, có giá trị sử liệu cao, cho chúng ta những thông tin quan trọng về các trường thi, khoa thi và những người đỗ đạt trong các kỳ thi Hương dưới triều Nguyễn. Theo Quốc triều Hương khoa lục, thời Nguyễn trên đất Hưng Yên từng tồn tại một trường thi Hương.
1. Tên gọi của trường thi
Trường thi được đặt tên theo danh xưng của trấn hoặc địa điểm đặt trường thi: Trường Sơn Nam (trường Hiến Nam).
Về thời điểm xuất hiện của trường thi Hương trên đất Hưng Yên đến nay chưa có thông tin chính xác. Thời Lê, nước ta có 9 trường thi Hương: Hải Dương, Sơn Nam, Tam Giang, Kinh Bắc, An Bang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa. Chưa rõ khi đó, trường thi đặt tại địa phương nào. Nhưng nhiều khả năng trường thi Hương xuất hiện trên đất Hưng Yên vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, khi đó Phố Hiến trở thành nơi đặt lỵ sở của trấn Sơn Nam. Điều này có những nguồn sử liệu để đối chiếu. Sách Đại Nam nhất thống chí chép trị sở trấn Sơn Nam có thời đặt ở xã Nhân Dục, huyện Kim Động, gọi là “cung cũ Hiến Nam”[5]. Bia chùa Hiến dựng năm 1625 cho biết rõ hơn: “thôn Hoa Dương lừng tiếng là nơi đóng lỵ sở ty Hiến sát của Sơn Nam thừa tuyên”[6]. Việc lựa chọn đặt địa điểm trường thi gần với nơi đặt các cơ quan hành chính làm việc của trấn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều hành, tổ chức, giám sát kỳ thi theo quy định của triều đình cũng như có thể dễ dàng tập trung những vật dụng, vật phẩm là nhu cầu thiết yếu phục vụ cho trường thi trong một khoảng thời gian khá dài. Nhưng “trị sở ty Hiến sát thường gọi tắt là Hiến ty của trấn Sơn Nam đã nhiều lần thay đổi vị trí…”[7]. Nếu giả thuyết trên là đúng thì một vấn đề đặt ra là cùng với sự thay đổi của nơi đặt trị sở Hiến ty của trấn Sơn Nam thì trường thi Hương có bị chuyển đi nơi khác, đặc biệt là sau sự suy tàn của Phố Hiến, trường thi Hương của trấn Sơn Nam có còn đặt trên đất Phố Hiến - Hưng Yên hay không ? Về điều này chúng ta chưa có tư liệu để kiểm chứng.
Có một thực tế là cùng với quá trình suy thoái về kinh tế, Phố Hiến đã mất dần đi vai trò quan trọng về chính trị. Do sự bồi lở của sông Hồng, Phố Hiến ngày càng cách xa dòng sông. Vì vậy, năm 1726, chính quyền Lê - Trịnh đã chuyển dời trấn lị Sơn Nam sang bên hữu ngạn sông Hồng thuộc huyện Duy Tiên (Hà Nam ngày nay). Năm 1741, trấn Sơn Nam được tách thành Sơn Nam thượng và hạ, trọng tâm chính trị đã chuyển xuống mạn dưới, ở Vị Hoàng (Nam Định). Cũng trong thế kỷ XVIII, nhiều biến động xã hội - chính trị đã diễn ra tại địa bàn Phố Hiến. Năm 1730, đê Mạn Trù vỡ, dân của nhiều vùng ở Sơn Nam trở nên nghèo đói, phải tha phương cầu thực. Tiếp đến là những cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất và Nguyễn Hữu Cầu đã tàn phá vùng này, càng làm cho tiềm lực kinh tế của Phố Hiến kiệt quệ. Rồi sau đó là cuộc chiến giữa Tây Sơn và chúa Trịnh. Sang đến thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn, vai trò một đô thị kinh tế, một thương cảng quốc tế của Phố Hiến ngày nào giờ đây không còn nữa nhưng nơi đây vẫn là nơi được chọn đặt trường thi Hương. Việc chọn nơi đặt trường thi phụ thuộc vào quyết định của chính quyền nhưng quyết định đó được đưa ra phải có cơ sở thực tiễn của nó. Để có cái nhìn khách quan, toàn diện về vấn đề này thì cần làm rõ các nguyên tắc, điều kiện để một địa điểm được chọn đặt trường thi, mối liên hệ giữa vị thế về kinh tế, chính trị của một chủ thể hành chính với việc được lựa chọn là nơi đặt trường thi… trong bối cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể. Xét trong trường hợp này có một điểm ta có thể dễ dàng nhận thấy, có một lý do cho sự hiện diện của trường thi Hương ở đây trở lên hợp lý hơn, đó là vị trí “trung tâm” của Phố Hiến đặt trong mối quan hệ về mặt địa lý với cả trấn Sơn Nam thượng và Sơn Nam hạ.
2. Địa điểm đặt trường thi
Trường thi Hương đặt tại xã Hoa Dương (nay thuộc phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên) mà cụ thể là “... tại địa phận bãi sông thuộc xã Hoa Dương, huyện Kim Động...”[8]. Về tên gọi và nguồn gốc của địa danh Hoa Dương, Giáo sư Trương Hữu Quýnh trong Hội thảo khoa học Phố Hiến năm 1992 đã nêu rõ “…Vào cuối thể kỷ XIII, một nhóm người Tống lánh nạn Nguyên chạy vào bờ biển nước ta, được vua Trần cho cư trú ở đây. Nhờ đất tốt lại nằm ở bên bờ khúc sông Hồng rộng, chẳng bao lâu nơi đây trở thành một thôn lớn mang tên Hoa Dương (liên quan tới một bà thái phi nhà Tống họ Dương)…”[9].
3. Quy mô và tổ chức của trường thi
Trường thi Sơn Nam (trường Hiến Nam) là nơi thi của nho sinh của cả trấn Sơn Nam thượng và Sơn Nam hạ nên quy mô cũng không nhỏ. Tuy nhiên, địa điểm "địa phận bãi sông" cho ta thấy phần nào diện mạo và tính chất khá tạm bợ của trường thi. Thực tế các trường thi Hương nói chung đều không được xây dựng cố định mà được tổ chức trên một bãi đất trống hay trên cánh đồng đã thu hoạch, có bề mặt tương đối bằng phẳng. Trường thi có một dãy nhà dùng cho các quan phụ trách tổ chức trường thi, giám sát và chấm thi, có các chòi canh cẩn mật. Thí sinh cắm lều chõng ở vị trí do ban tổ chức định theo từng Vi (khu vực thi, mỗi trường thi chia làm 4 Vi). Khi gần tới ngày thi, quan sở tại mới cho dựng tạm nhà lá và rào kín xung quanh bằng những vật liệu không bền vững, sau khi thi xong thì lại bỏ không hoặc phá bỏ. Kỳ thi sau sẽ phải dựng lại hoặc phải dùng một số tiền khá lớn để tu bổ lại trường thi. Tình trạng này kéo dài tới năm 1843, sau khi vua Thiệu Trị định lệ cho phép Bộ Công xây dựng trường thi Hương Thừa Thiên Huế làm mẫu cho các trường thi Hương khác. Triều đình ngoài việc chọn cử người để đảm nhiệm các vị trí, nhiệm vụ trong việc tổ chức, giám sát thi và chấm thi còn cung cấp tiền của, tài sản cho địa phương tổ chức thi. Đồng thời các địa phương đều phải có trách nhiệm đóng góp cùng triều đình để xây dựng và tổ chức trường thi. Từ năm Vĩnh Thọ thứ 3 (1660), triều đình định lệ thu tiền khoán làm trường thi Hương, các đời sau có thêm bớt nhưng cơ bản giữ lệ cũ. Theo đó, việc đóng góp quy định rất cụ thể “… xã lớn nộp 1 quan 6 tiền, 30 bát gạo, xã trung nộp 1 quan 2 tiền, 20 bát gạo, xã nhỏ nộp 8 tiền, 10 bát gạo”[10]. Bên cạnh đó, các địa phương còn phải cung đốn các đồ dùng, vật dụng để phục vụ các nhu cầu cần thiết của trường thi như: giường, chiếu, phên, hòm, bàn, dầu, đèn, bát, đĩa, chum, mâm, giấy, nồi, rá, rơm cỏ, chậu…
4. Đối tượng dự thi tại trường thi
Đối tượng dự thi gồm“... sĩ tử hai trấn Sơn Nam thượng, Sơn Nam hạ...”[11]. Con số thực về số lượng nho sinh tham gia kỳ thi Hương tại đây không thể khảo cứu được nhưng nếu tính theo định lệ thi Hương năm Vĩnh Trị 3 (1678) thì hẳn con số có thể đến hàng ngàn người mỗi kỳ.
5. Số kỳ thi được tổ chức tại trường thi
Ban đầu triều Nguyễn định lệ, cứ 06 năm tổ chức một kỳ thi Hương, sau đổi thành 3 năm tổ chức một lần. Nhưng trên thực tế, có những khoa thi chỉ tổ chức cách nhau một năm hoặc có những khoa thi tổ chức liên tục vì triều đình mở Ân khoa. Vì vậy, thời gian tổ chức các kỳ thi Hương thường không ổn định và điều này dẫn tới hệ lụy các kỳ thi Hội, thi Đình cũng thay đổi theo.
Thi Hương tại trường Hiến Nam (trường Sơn Nam) được tổ chức vào đầu thời Nguyễn nên vẫn thực hiện theo chế định 06 năm tổ chức một lần. Quốc triều Hương khoa lục của học giả Cao Xuân Dục cho biết thời Nguyễn, trường thi Hiến Nam tổ chức được 2 kỳ thi đầu thời Gia Long. Đó là vào các năm 1807 (lấy đậu được 20 người), năm 1813 (lấy đậu được 28 người). Trong hai kỳ thi Hương này, xét theo địa giới hành chính hiện nay có 06 nho sinh người quê Hưng Yên đã đỗ gồm:
- Vũ Ngọc Ôn người xã Triều Dương (nay là thôn Triều Dương, xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ);
- Vũ Huy Đạt (em của Vũ Ngọc Ôn), người xã Triều Dương (nay là thôn Triều Dương, xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ);
- Dương Duy Hinh người xã Phú Thị, huyện Đông Yên (nay là thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang);
- Nguyễn Khắc Gia người xã Linh Hạ (nay là thôn Linh Hạ, xã Nhật Tân, huyện Tiên Lữ);
- Phạm Vĩ người xã Bạch Sam, huyện Đường Hào (nay là phường Bạch Sam, thị xã Mỹ Hào);
- Phạm Thế Mỹ (con của Phạm Vĩ) người xã Bạch Sam, huyện Đường Hào (nay là phường Bạch Sam, thị xã Mỹ Hào)[12].
Năm 1819, trường thi Hiến Nam chuyển sang đất Vị Hoàng (Nam Định) nhưng vẫn lấy tên là trường thi Sơn Nam, đến năm Minh Mệnh thứ 5 (1824) đổi tên gọi thành trường thi Nam Định. Như vậy, trường thi Sơn Nam chính là tiền thân, là một phần lịch sử của trường thi Nam Định - Trường thi hương cuối cùng trên đất Bắc kỳ.
[1] Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442), Văn Miếu Quốc Tử giám Thăng Long - Hà Nội.
[2] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 4: Khoa mục chí, Quốc dụng chí, Hình luật chí, Nxb Trẻ, 2014, tr.11.
[3] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 4: Khoa mục chí, Quốc dụng chí, Hình luật chí, Nxb Trẻ, 2014, tr.21.
[4] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 4: Khoa mục chí, Quốc dụng chí, Hình luật chí, Nxb Trẻ, 2014, tr.60-61.
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Đại Nam nhất thống chí, Tập 3, Quyển 15 (Tái bản lần thứ hai), Nxb Thuận Hóa - Huế, 2006, tr. 349.
[6] TS. Nguyễn Khắc Hào, TS. Nguyễn Đình Nhã (Đồng chủ biên) Phố Hiến, Nxb Khoa học xã hội, 2014, tr. 45.
[7] Phan Huy Lê, Phố Hiến những vấn đề khoa học đang đặt ra, UBND tỉnh Hải Hưng, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Phố Hiến kỷ yếu Hội thảo khoa học, 2006 (Tái bản lần thứ nhất), tr.21.
[8] Cao Xuân Dục, Quốc triều Hương khoa lục, Nxb Lao động Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2011, tr. 88.
[9] Trương Hữu Quýnh, Sự ra đời và phát triển của Phố Hiến, UBND tỉnh Hải Hưng, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Phố Hiến kỷ yếu Hội thảo khoa học, 2006 (Tái bản lần thứ nhất), tr.39.
[10] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 4: Khoa mục chí, Quốc dụng chí, Hình luật chí, Nxb Trẻ, 2014, tr.68.
[11] Cao Xuân Dục, Quốc triều Hương khoa lục, Nxb Lao động Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2011, tr. 88.
[12] Cao Xuân Dục, Quốc triều Hương khoa lục, Nxb. Lao động Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2011, tr. 88 - 97.